Trẻ có một số dấu hiệu và triệu chứng như khó chú ý, hiếu động có phải bị ADHD không? Hầu hết trẻ trong quá trình phát triển đều có lúc bốc đồng, nghịch ngợm hoặc chú ý kém, tuy nhiên đó không hẳn triệu chứng của chứng ADHD. Nếu chúng chỉ bộc phát trong 1 số môi trường, hoàn cảnh và tình huống thì đó không phải Tăng động giảm chú ý. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về các triệu chứng và phương pháp dạy trẻ tăng động giảm chú ý trong bài viết dưới đây.
Chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?
Rối loạn giảm chú ý hay ADHD là một chứng rối loạn thần kinh hay gặp ở trẻ em (thường trước 7 tuổi) và thường ảnh hưởng trẻ trong suốt quá trình trưởng thành. ADHD gây cho người bệnh các vấn đề như khó duy trì được sự chú ý và khó kiềm chế bản thân về lời nói, hành vi thái quá hoặc hiếu động, bốc đồng.

Hầu hết trẻ bị ADHD đều không thể ngồi yên, dường như trẻ sẽ không chịu lắng nghe cũng như không làm theo những lời chỉ dẫn dù bố mẹ đã trình bày chúng một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất. Đôi khi trẻ còn nói ra những lời nói không phù hợp và vào những thời điểm không phù hợp, trẻ có thể ngắt lời hoặc nói quá to một cách đột ngột. Chính vì vậy trẻ sẽ không được lòng mọi người, và nhiều khi sẽ bị chỉ trích là lười biếng và vô kỷ luật.
ADHD không chỉ là tăng động giảm chú ý mà bệnh này còn có 3 loại phổ biến như sau:
- Giảm chú ý: Những người bị chứng Tăng động giảm chú ý giảm chú ý sẽ có các triệu chứng thiếu tập trung rõ rệt, nhưng lại không có các triệu chứng hiếu động, bốc đồng.
- Tăng động: Những người bị chứng tăng động sẽ có các triệu chứng hiếu động, bốc đồng thái quá nhưng lại không có các triệu chứng thiếu tập trung.
- Tăng động và giảm chú ý: Những người bị chứng tăng động và giảm chú ý sẽ gồm các triệu chứng bốc đồng thái quá và thiếu tập trung. Đây là loại ADHD phổ biến nhất.
Nhiều bậc cha mẹ có con bị ADHD cũng đã trải qua các triệu chứng của Tăng động giảm chú ý khi họ còn nhỏ. Ngoài ra ADHD sẽ thường thấy ở anh chị em trong cùng một gia đình. Điều này cho thấy rằng trẻ bị ADHD sẽ có tỷ lệ cao được di truyền từ bố mẹ.
Các ước tính cho thấy khoảng 4% đến 12% trẻ em mắc chứng tăng động giảm chú ý. Trong đó bé trai có nguy cơ mắc chứng Tăng động giảm chú ý gấp 2 đến 3 lần so với bé gái. Tuy nhiên ở tuổi trưởng thành, các nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ nam và nữ mắc ADHD gần như ngang nhau. Điều này cho thấy rằng tỷ lệ chẩn đoán ở nữ ít hơn nam giới khi còn bé có thể là do bé gái mắc các chứng ADHD giảm chú ý nên thường sẽ có ít biểu hiện rõ ràng hơn bé trai. Dẫn đến không được chẩn đoán và phát hiện bệnh từ sớm.
Dấu hiệu và triệu chứng của trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý
Bởi tính nghiêm trọng của Tăng động giảm chú ý cũng như sự ảnh hưởng của bệnh này mang lại cho bé, bố mẹ cần nắm bắt những triệu chứng của trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý để theo dõi và quan sát con nếu con có dấu hiệu bất thường về các hành vi thường ngày.
Trẻ mắc chứng ADHD sẽ có những triệu chứng giảm chú ý và hành vi tăng động như sau:
Dấu hiệu của giảm chú ý:
- Gặp khó khăn trong việc tập trung: Trẻ thường bị phân tâm và không tập trung vào những vấn đề nhất định ví dụ khi trẻ đang học, trẻ có thể chạy nhảy và leo trèo,…
- Gặp khó khăn khi làm theo hướng dẫn của người khác: Bé sẽ khó có thể làm theo một chỉ dẫn cụ thể nào đó như không thể hoàn thành bài tập ở trường.
- Tỏ ra không lắng nghe: Ngay cả khi nói chuyện trực tiếp với trẻ, trẻ cũng sẽ tỏ ra không lắng nghe đối phương.
- Dễ bị phân tâm: Bé sẽ rất dễ bị phân tâm và không chú ý đến một việc cụ thể như khi đang nghe cô giáo giảng bài bé dễ mất chú ý và quan tâm đến những thứ khác.
- Quên thực hiện một số việc hằng ngày: Trẻ bị chứng giảm chú ý sẽ rất dễ chán vào một việc gì đó, vì vậy những việc như thói quen hằng ngày trẻ cũng sẽ dễ quên thực hiện như đánh răng, chải tóc,…
- Không chú ý đến các chi tiết nhỏ: Trẻ sẽ thường xuyên bỏ qua những chi tiết nhỏ, vì vậy bé thường mắc những lỗi sai do không cẩn thận trong bài học hay các hoạt động khác.
- Trẻ hay làm mất đồ: Vì trẻ rất khó chú ý và dễ bị phân tâm nên thường xuyên làm mất các vật dụng, đồ đạc cần thiết như mũ, áo khoác, bút chì, vở,…
- Không thích làm những việc đòi hỏi sự tập trung cao: Bé sẽ rất ngại khi làm những việc cần sự chú ý và tập trung cao độ như học tập, đọc sách,…
Dấu hiệu của tăng động, bốc đồng:
- Nói quá nhiều: Trẻ nói quá nhiều và thường xuyên làm phiền người khác khi họ đang nói. Đồng thời nhiều trẻ sẽ gặp một số vấn đề khác khi trẻ nói quá nhiều là nói quá lan man và khó hiểu.
- Không ngồi yên: Bé sẽ gặp khó khăn với những hoạt động phải ngồi yên như ngồi học bài trong lớp, làm bài tập,…
- Luôn di chuyển: Bé thường xuyên di chuyển, chạy nhảy và không thích dừng lại. Bố mẹ có thể thấy con lúc nào cũng trong trạng thái đang hoạt động.
- Trả lời cụt ngủn: Trẻ có thể trả lời cộc lốc hoặc ngắt lời người khác, nói quá to,…
- Không thể đợi đến lượt mình: Bởi tính hiếu động vì vậy bé sẽ không thể kiên nhẫn đợi đến lượt mình vì vậy bé thường xuyên làm gián đoạn các hoạt động của người khác cảm và tạo cảm giác bé đang quấy rối.
- Bồn chồn: Bé lúc nào cũng cảm thấy bồn chồn, không thể ngồi yên và muốn làm gì đó, bé sẽ có một số hành động như gõ vào tay vào chân, vào ghế hoặc ngồi vặn vẹo trên ghế.
- Chạy nhảy: Bé có thể chạy nhảy và leo trèo xung quanh mà không quan tâm đến ngữ cảnh lúc đó.
- Hấp tấp, bốc đồng: Trẻ thường nóng vội hoặc hấp tấp khi làm một việc nào đó, ví dụ khi sang đường, nếu không có sự quan sát và kiểm soát của bố mẹ bé có thể qua đường mà không chú ý đến giao thông và những người xung quanh.

Hầu hết trẻ trong quá trình phát triển đều có lúc bốc đồng, nghịch ngợm hoặc chú ý kém, tuy nhiên đó không hẳn triệu chứng của chứng ADHD. Nếu chúng chỉ bộc phát trong 1 số môi trường, hoàn cảnh và tình huống thì đó không phải bị Tăng động giảm chú ý. Rất có thể trẻ chỉ đang bướng bỉnh hoặc đang gặp một số vấn đề khác, bố mẹ cần quan tâm con nhiều hơn để tìm ra nguyên nhân và lý do con có những hành vi như vậy.
Mặt khác, nếu trẻ có một số dấu hiệu và triệu chứng của ADHD trong nhiều tình huống dù là ở nhà, trên lớp hoặc những nơi công cộng thì rất có thể con đang gặp phải ADHD. Tuy nhiên đó chỉ là những suy đoán, bố mẹ vẫn nên cho bé khám bác sĩ để được đánh giá và chẩn đoán kỹ lưỡng cũng như đưa ra những phác đồ điều trị thích hợp.
Hơn 50% số trẻ em bị Tăng động giảm chú ý lúc bé sẽ duy trì các triệu chứng đến lúc trưởng thành. Và đối với những người trưởng thành bị ADHD sẽ có những biểu hiện và triệu chứng như khó tập trung, khó hoàn thành các công việc được giao, thiếu kiên nhẫn và dễ thay đổi tâm trạng, đồng thời khó có thể duy trì các mối quan hệ bền vững. Vì vậy không thể chữa khỏi được căn bệnh ADHD này hoàn toàn, mà thay vào đó là giúp các triệu chứng được thuyên giảm và bé trở nên tốt hơn.
Xem thêm: Cách dạy trẻ chậm nói giảm chú ý – Bố mẹ có thể giúp gì?
Những hậu quả và biến chứng của tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ
Một điều cần thiết và đáng được quan tâm khi trẻ bị ADHD là những hậu quả trẻ sẽ phải đối mặt. Bố mẹ cần nắm rõ những hậu quả và biến chứng để có thể hiểu và hỗ trợ con nhiều hơn trong quá trình phát triển cũng như dạy dỗ con.
Tăng động giảm chú ý là chứng gây tổn hại nhiều đến trẻ, trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể gặp phải một số vấn đề như sau:
- Gặp khó khăn khi giao tiếp: Trẻ sẽ khó có thể nói cũng như bày tỏ những quan điểm của mình cho người khác. Cũng như không thể hòa đồng và nói chuyện bình thường với các bạn khác.
- Có thể gặp nhiều chấn thương và tai nạn: Khi trẻ bị ADHD, trẻ sẽ khó học hỏi và làm theo hướng dẫn của người khác, điều này dẫn đến trẻ sẽ thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân và kiểm soát hành vi của mình. Trẻ sẽ thường không chú ý đến môi trường xung quanh và gặp nguy hiểm trong các hoạt động thể chất.
- Xu hướng lòng tự trọng kém: Bởi vì trẻ sẽ khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, và chúng thường thất bại liên tục. Điều này hình thành cho con tâm lý khác biệt với bạn bè, từ đó có xu hướng lòng tự trọng kém hơn.
- Có nguy cơ lạm dụng các chất kích thích: Trẻ bị ADHD sẽ có nguy cơ cao sử dụng các chất kích thích và có thể tham gia các hành vi phạm pháp vì trẻ thường có khả năng kiểm soát hành vi kém, nhanh chán các hoạt động lặp đi lặp lại và muốn tìm kiếm các cảm giác mới,…

Ngoài những hậu quả trên, trẻ bị Tăng động giảm chú ý có nhiều khả năng cao mắc các bệnh khác:
- Rối loạn thách thức đối lập (ODD): Đây là một chứng bệnh khi mắc phải trẻ sẽ có các hành vi tiêu cực, chống đối, thách thức và thù địch với những người có thẩm quyền.
- Hành vi rối loạn: Đây là chứng bệnh khi mắc phải, người bệnh sẽ có các hành vi chống đối với xã hội như trộm cắp, đánh nhau, phá hoại tài sản và gây thiệt hại đến người và vật,…
- Rối loạn điều chỉnh tâm trạng: Trẻ gặp phải chứng rối loạn điều chỉnh tâm trạng sẽ thường hay cáu kỉnh và gặp phải các vấn đề về khả năng chịu đựng sự thất vọng.
- Khó khăn trong học tập: Trẻ có thể gặp phải các vấn đề như viết, đọc hiểu và giao tiếp,…Ngoài ra trẻ còn khó có thể chú ý vào các bài giảng trên lớp, điều này làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của con.
- Rối loạn lo âu: Trẻ gặp chứng này sẽ thường có các biểu hiện lo lắng quá mức, bao gồm chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
- Rối loạn tâm trạng: Khi gặp chứng bệnh này, trẻ sẽ có thể gặp các chứng trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và các hành vi hưng cảm,…
- Rối loạn tự kỷ: Chứng bệnh này sẽ liên quan đến sự phát triển não bộ ảnh hướng đến nhận thức và giao tiếp của trẻ với người khác.
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện: Trẻ bị ADHD sẽ dễ sử dụng các chất gây nghiện bao gồm sử dụng ma túy, rượu và thuốc lá,…mà không màng đến hậu quả hoặc các ảnh hưởng mà nó mang lại.
- Rối loạn Tic hoặc hội chứng Tourette: Đây là hội chứng liên quan đến các vấn đề khó kiểm soát về chuyển động lặp lại hoặc âm thanh.
Một số nguyên nhân dẫn đến chứng Tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ
Tìm hiểu nguyên nhân là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh ADHD cho trẻ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro dẫn đến chứng ADHD ở trẻ, đặc biệt là do di truyền, bệnh lý của mẹ khi mang thai và sau sinh, hoặc tổn thương não khi sinh.
- Yếu tố di truyền: Trẻ có nguy cơ cao mắc chứng ADHD khi các thành viên trong gia đình, bố mẹ hoặc anh chị em mắc chứng Tăng động giảm chú ý hoặc các rối loạn liên quan khác. Đã có nhiều trường hợp, sau khi phát hiện con bị chứng và được chuẩn đoán bị ADHD và cũng thấy chính bản thân bố mẹ cũng có các biểu hiện tương tự.
- Yếu tố não bộ: Do sự phát triển bất thường trong khu vực não bộ liên quan đến sự tập trung và kiểm soát các hành vi của trẻ.
- Yếu tố bệnh lý của mẹ khi mang thai và sau sinh: Một số bệnh lý của mẹ trong quá trình mang thai có thể liên quan đến việc trẻ bị mắc chứng ADHD như mẹ có các triệu chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần,… Hoặc do mẹ sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, hoặc các chất gây nghiện,…

Ngoài ra một số quan điểm cho rằng trẻ bị ADHD là do ảnh hưởng từ môi trường, tuy nhiên chúng không đủ mạnh mẽ để kết luận là nguyên nhân chính của bệnh Tăng động giảm chú ý nhưng sẽ là yếu tố làm cho các triệu chứng nặng và tồi tệ hơn:
- Trẻ nghiện chơi điện tử hoặc tivi quá nhiều
- Chất lượng dinh dưỡng: Bé ăn quá nhiều đường hoặc các chất không lành mạnh khác.
- Môi trường sống không ổn định: Ồn ào, lộn xộn, đông đúc,…
- Do trẻ tiếp xúc với các chất ô nhiễm như khói thuốc, ô nhiễm môi trường
- Do môi trường gia đình, học tập không ổn định dẫn đến việc quá tải thông tin.
Xem thêm: Cách dạy trẻ bị rối loạn ngôn ngữ – Liệu bố mẹ đã hiểu đúng?
Các cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý hiệu quả tại nhà cho bố mẹ tham khảo
Hiện nay có nhiều cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý tại nhà kết hợp với phác đồ điều trị tại các cơ sở y tế để bố mẹ có thể tham khảo để cải thiện các tình trạng và vấn đề của con. Tuy nhiên dù có phương pháp hay cách thức nào, điều quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì của bố mẹ.
Xây dựng các thói quen lành mạnh
Rèn luyện thói quen tốt cho trẻ giúp ích rất nhiều, đặc biệt là những trẻ mắc chứng ADHD. Hãy chắc chắn rằng con ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, tập thể dục và vệ sinh cá nhân đầy đủ. Những thói quen này tưởng chừng như đơn giản nhưng nó lại giúp trẻ hình thành sự tập trung, có tổ chức và điều chỉnh hành vi phù hợp.

Lúc đầu, tập thói quen cho trẻ mắc chứng ADHD sẽ rất khó khăn vì các vấn đề của trẻ. Tuy nhiên bố mẹ cần dành nhiều thời gian và quan tâm trẻ để cùng trẻ vượt qua giai đoạn này. Việc này cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển và trưởng thành của bé.
Tập thể dục
Tập thể dụng sẽ có rất nhiều lợi ích cho trẻ bị chứng Tăng động giảm chú ý. Bố mẹ cho trẻ tập thể dục thường xuyên sẽ giúp trẻ cải thiện tập trung, giảm căng thẳng và có thể điều chỉnh, quản lý cảm xúc tốt hơn.
Hãy khuyên bé tham gia nhiều trò chơi như đá bóng, nhảy dây, đá cầu, cầu lông hoặc bơi lội,… Những trò chơi thể thao này sẽ giúp bé cảm thấy thú vị mà vẫn có thể tập luyện vận động, tăng cường sức khỏe, giải phóng các năng lượng dư thừa, điều chỉnh lại cảm xúc và giảm hiếu động, nghịch ngợm.

Xem thêm: 50 trò chơi team building cho trẻ em TRÍ TUỆ và NĂNG ĐỘNG
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng
Theo khuyến cáo của bộ y tế, những món ăn tốt cho não bộ sẽ rất phù hợp và giúp trẻ bị ADHD. Vì vậy bố mẹ cần cho trẻ ăn uống theo một chế độ dinh dưỡng hợp lý như sau:
- Chế độ Protein: Những món ăn giàu protein như đậu, phô mai, trứng, thịt và những loại hạt chứa nhiều protein cần được bổ sung cho trẻ vào buổi sáng hoặc bữa ăn nhẹ. Điều này sẽ giúp con cải thiện được sự tập trung hiệu quả.
- Giảm carbohydrate đơn: Những món ăn như bánh kẹo, siro, đường, mật ong và các loại thức ăn làm từ gạo trắng, bột mì trắng, khoai tây không vỏ cân được cắt giảm khỏi khẩu phần ăn của trẻ.
- Tăng carbohydrate phức hợp: Rèn con ăn rau và hoa quả như cam, quýt, bưởi, táo, lê, kiwi,… Bố mẹ nên bổ sung những món ăn này vào trước buổi tối để trẻ dễ ngủ hơn.
- Bổ sung axit béo omega 3: Những thực phẩm giàu omega 3 như cá hồi, cá ngừ và một số loại cá thịt trắng khác rất tốt cho bé. Ngoài ra còn một số loại hạt như hạt óc chó, hạt dẻ Brazil, dầu hạt cải, dầu ô liu,…cũng chứa rất nhiều omega 3 tốt cho bé. Bố mẹ hãy bổ sung thực phẩm tươi cho bé, nhưng nếu bé biếng ăn bố mẹ có thể bổ sung loại chất này thông qua các loiaj thuốc và thực phẩm chức năng.

Đồng thời bố mẹ nên cho trẻ giảm một số chất như đường và caffeine. Vì hầu hết các trẻ hiếu động hơn sau khi sử dụng các món ăn ngọt như kẹo, bánh. Tuy nhiên không có bằng chứng xác thực nào về việc sử dụng đường gây hại cho trẻ bị chứng Tăng động giảm chú ý. Nhưng hầu hết các bác sĩ khuyên bố mẹ nên hạn chế sử dụng đường và các loại caffeine.
Khen ngợi và khen thưởng
Trẻ bị ADHD thường gặp phải nhiều lời chỉ trích nhiều hơn những đứa trẻ bình thường khác. Điều này vô thức đã làm cho trẻ bị tổn thương và ảnh hưởng đến lòng tự trọng thậm chí là làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, tự ti và luôn nghĩ mình làm gì cũng sai. Như vậy tình trạng của trẻ có thể nặng hơn, trẻ sẽ có thể hiếu động và quậy phá nhiều hơn khi liên tục bị chỉ trích và mắng.

Vì vậy bố mẹ hãy khen ngợi trẻ nhiều hơn để trẻ cảm thấy mình là một đứa trẻ có ích và cố gắng làm những điều tốt để được khen thưởng. Hãy cố gắng tìm những hành vi, điểm tốt của trẻ để khen ngợi. Đồng thời hãy khen ngợi trẻ nhiều hơn, hãy khen trẻ nhiều hơn gấp 5 lần so với khi chỉ trích trẻ.
Xem thêm: Cách dạy trẻ ăn vạ với 12+ tips “điều trị” TẬN GỐC!
Đưa ra những chỉ dẫn hoặc mệnh lệnh rõ ràng
Trẻ có chứng ADHD thường sẽ khó khăn trong việc giao tiếp và hiểu lời nói của mọi người, đặc biệt là những câu nói dong dài. Vì vậy hãy đưa các mệnh lệnh ngắn gọn, xúc tích để trẻ dễ hiểu và tuân thủ mệnh lệnh hơn. Đồng thời nếu trẻ vẫn không thể hiểu được lời bố mẹ nói, bé không biết làm gì và mơ hồ với việc làm đó, bố mẹ hãy chỉ dẫn bé rõ ràng. Đừng quên lặp lại những chỉ dẫn này để giúp bé ghi nhớ một cách hiệu quả hơn.
Giúp con xây dựng các mối quan hệ, kỹ năng xã hội
Những mối quan hệ rất cần thiết cho mỗi chúng ta, và trẻ bị Tăng động giảm chú ý cũng vậy. Trẻ bị ADHD thường sẽ không được bạn bè và những người xung quanh quan tâm và yêu mến nhiều. Vì vậy bố mẹ cần giúp con xây dựng các mối quan hệ tích cực. Hãy giúp trẻ phát triển ít nhất là một tình bạn thân thiết, giúp trẻ sắp xếp và tổ chức các cuộc đi chơi và hoạt động với bạn bè.

Bố mẹ hãy làm gương cho con, tạo những mối quan hệ xung quanh tốt đẹp để con noi gương. Hãy chỉ con cách chào hỏi với người lớn, cách vui chơi với bạn bè và tiết chế cảm xúc của mình.
Có những khoảng nghỉ nhỏ hợp lý
Bé gặp các vấn đề như giảm tập trung và không chú ý vào một việc gì quá lâu, vì vậy bố mẹ hãy cho con một khoảng nghỉ thích hợp để khi cần tập trung. Bố mẹ có thể cho trẻ ăn nhẹ hoặc vận động nhẹ để trẻ giải phóng năng lượng và cải thiện sự tập trung.

Sau khi được nghỉ ngơi và tiêu giảm các năng lượng dư thừa bé sẽ trở nên tập trung và ít hiếu động hơn. Hãy áp dụng phương pháp này ngay tại nhà và trên trường học cho trẻ. Nếu có thể bố mẹ hãy nhờ giáo viên giúp đỡ con có những khoảng nghỉ riêng.
Xem thêm: Nên rèn bé ngủ trưa từ khi nào? Làm thế nào cho đúng cách?
Luôn sát cánh bên con
Con trẻ khi mắc phải chứng ADHD sẽ cảm thấy cô đơn và xung quanh dường như không có ai hiểu mình. Bố mẹ là người bên cạnh con và đồng hành với con, bố mẹ cần phải để con trẻ không cảm thấy sự cô đơn trong hành trình khó khăn này. Như là một người bạn, hãy khuyến khích con cố gắng hết sức, làm cùng con và luôn sẵn sàng giúp đỡ con. Đặc biệt hãy hướng con đến những điều tích cực, tạo thái độ tích cực vui vẻ và lạc quan cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho con.

Rất khó để con có thể mở lòng và tâm sự những gì đang gặp phải cho bố mẹ nghe. Hoặc ngay chính cả con cũng không thể nhận thấy vấn đề đó. Vì vậy, bố mẹ hãy luôn quan sát những biểu hiện của con để biết được con đang gặp phải các vấn đề như thế nào, từ đó tìm ra phương pháp và hướng giải quyết. Hãy nói chuyện với con nhiều hơn, hãy cho con biết được bố mẹ luôn bên cạnh và yêu thương con.
Phối hợp chặt chẽ với giáo viên và nhà trường cũng như bác sĩ điều trị
Việc phối hợp giữa bố mẹ với giáo viên và nhà trường rất quan trọng cho bé bị Tăng động giảm chú ý bởi chỉ khi như vậy bé mới được quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để thoát khỏi những vấn đề của riêng mình. Bố mẹ cần chia sẻ tình trạng của con với thầy cô giáo, ban giám hiệu nhà trường để có những biện pháp hỗ trợ và giúp trẻ tốt nhất.

Bố mẹ có thể nhờ giáo viên chủ nhiệm sắp xếp chỗ ngồi phù hợp với con để con có thể chú ý học tập hơn như vị trí tránh xa các cửa sổ, yên tĩnh,… Ngoài ra thầy cô nên tạo điều kiện cho trẻ giải phóng những năng lượng dư thừa bằng cách đi lại nhiều trong lớp như lau bảng, thu sách vở của các bạn,…
Xem thêm: Cách dạy trẻ mất tập trung giảm chú ý và nguyên nhân cụ thể
Những câu hỏi thường gặp về trẻ bị Tăng động giảm chú ý (ADHD)
Ngoài những nguyên nhân, hậu quả và dấu hiệu khi trẻ bị chứng ADHD, bố mẹ sẽ có nhiều thắc mắc khác liên quan đến vấn đề này. Dưới đây là tổng hợp và giải đáp một số câu hỏi thường gặp.
Có phải tất cả trẻ bị ADHD đều hiếu động?
Một số trẻ bị Tăng động giảm chú ý sẽ rất hiếu động, nhưng không phải tất cả các trẻ bị ADHD đều hiếu động. Nhiều trẻ sẽ bị ADHD sẽ rơi vào loại ADHD thiếu chú ý, nhưng không hoạt động quá mức, có thể thấy trẻ thường xuyên không tập trung, bé như trống rỗng và không có động lực.

ADHD có thể biến mất khi trẻ lớn không?
Trẻ bị ADHD thường tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành, vì vậy bố mẹ đừng quá mong đợi con mình sẽ hết bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ cũng như điều trị tại nhà có thể giúp con học được cách quản lý cảm xúc và quản lý bản thân, điều này sẽ giúp trẻ giảm thiểu các triệu chứng.
Xem thêm: Trẻ bị rối loạn tư duy – Biểu hiện và lời khuyên xử lý
Thuốc là lựa chọn điều trị tốt nhất cho vấn đề Tăng động giảm chú ý?
Đa số những loại thuốc thường được kê đơn cho chứng rối loạn thiếu tập trung. Nhưng cho trẻ sử dụng thuốc có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho con. Bố mẹ cần kết hợp các phương pháp điều trị khác cho trẻ bao gồm giáo dục, trị liệu hành vi, hỗ trợ tại nhà và trường học, tập thể dục và dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp đem lại hiệu quả tốt hơn so với việc chỉ dùng mỗi thuốc.

Trẻ bị Tăng động giảm chú ý có thể cố gắng tự cư xử tốt hơn nếu chúng muốn hay không?
Trẻ bị ADHD có thể cố gắng hết sức để trở nên tốt hơn nhưng trẻ vẫn không thể ngồi yên, im lặng hoặc chú ý quá mức. Chúng có thể tỏ ra không vâng lời, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng cố tình không vâng lời. Vì vậy bố mẹ cần bao dung và nhẫn nhịn để dạy dỗ, giúp con tốt hơn mỗi ngày.
Trẻ không muốn cư xử hay hành động một cách thái quá và trẻ cũng rất muốn tập trung như các bạn khác. Tuy nhiên khi bị chứng Tăng động giảm chú ý, đó là điều khá khó khăn. Chính vì vậy bố mẹ hãy luôn sát cánh bên con, quan tâm và giúp đỡ con nhiều hơn để con có thể cải thiện những vấn đề này. Hãy kiên nhẫn cho con thời gian cũng là cho chính bản thân mỗi người làm bố làm mẹ thêm thời gian để yêu thương con nhiều hơn. Hy vọng những kinh nghiệm dạy trẻ Tăng động giảm chú ý trên đây sẽ là lời khuyên hữu ích cho bố mẹ!
Bố mẹ cũng có thể tham khảo chương trình sinh trắc vân tay cho bé ngay khi bé còn nhỏ để có thể hiểu được tính cách, sở thích, điểm mạnh điểm yếu của con, từ đó hỗ trợ con tích cực hơn trong quá trình trưởng thành sau này!
Bố mẹ hãy đăng ký chương trình Sinh Trắc Vân Tay MIỄN PHÍ cho bé TẠI ĐÂY!!!

Tác giả/Tham vấn: LÊ ĐẶNG MINH NHẬT
Founder - CEO Công Ty CP Tiềm Năng Vô Hạn UPO
Thầy Lê Đặng Minh Nhật là nhà đào tạo, nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục vời hơn 10 năm giảng dạy và đào tạo hơn 30.000 học viên toàn quốc. Thầy cũng là nhà huấn luyện và tư vấn cho đội ngũ nhân sự và khách hàng của các tập đoàn và doanh nghiệp: FPT, PQC hospitality, J&T express, Amyra, ILA, RMIT, AIA EXCHANGE, Chubb Life, Global Media…
"Giáo dục nào đâu phải là quần áo để khoác lên cho đẹp, bởi giáo dục vốn dĩ là khơi dậy cái đẹp từ bên trong mỗi đứa trẻ" chính là châm ngôn của thầy trong giáo dục con trẻ.
- Kiên trì và cố chấp – Sự khác biệt mong manh tới thành công
- 100 câu nói hay về sự kiên trì – dành cho ai đang gục ngã
- Làm sinh trắc vân tay bao nhiêu tiền? – Bảng giá tham khảo
- [BẬT MÍ] 10+ kinh nghiệm rèn luyện tính kiên trì cho trẻ
- 20+ tấm gương về lòng kiên trì – khơi nguồn động lực bất tận
- 80 câu ca dao tục ngữ về siêng năng kiên trì đầy sâu sắc!
- Làm sinh trắc vân tay cho bé là gì? Có an toàn hay không?
- 20 trò chơi rèn tính kiên trì cho trẻ – Dạy con thông minh
- Dạy con kiếm tiền với 7 hoạt động cực ĐƠN GIẢN và NĂNG ĐỘNG
- Dạy con cách tiêu tiền thông minh – Cẩm nang cho bố mẹ!